Tin tức

?05 LỄ HỘI MÙA XUÂN CHỈ CÓ Ở NHẬT BẢN MÀ BẠN KHÔNG NÊN BỎ LỠ?

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa mà không khí trong lành và thoải mái nhất. Mùa xuân Nhật Bản bắt đầu từ những ngày đầu của tháng Ba cho đến những ngày cuối tháng Năm.Khi mùa xuân đến báo hiệu các bông hoa được khoác trên mình bộ cánh cầu vồng tuyệt đẹp với nhiều màu sắc và hình dạng. Nhiều lễ hội hoa được tổ chức ở khắp nơi với sự phong phú và đa dạng khác nhau.

1️⃣   Lễ hội băng qua lửa Hiwatari

⚡️ Lễ hội Hiwatari là lễ hội truyền thống của chùa Yakouin Takaosan với sự kiện đi trên lửa bằng chân không của các thầy tu Yamabushi. Lễ hội Hiwatari dựa trên lời thề của Izuna Daigongen, vị thần chính của Núi Takao, về sự cứu rỗi của tất cả chúng sinh. Đó là lời cầu nguyện để cầu nguyện cho sự kéo dài tuổi thọ, tiêu trừ tai họa và mang lại hạnh phúc. Lễ hội Hiwatari, hay lễ hội đi chân trần trên than hồng, được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ 2 của tháng 3 hàng năm.

2️⃣ Lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami

⚡️ Hanami – lễ hội ngắm hoa anh đào truyền thống ở xứ sở hoa anh đào có nguồn gốc từ thời Nara vào năm 710. “Hana” trong tiếng Nhật là hoa và “mi” có ý nghĩa là ngắm. Lễ hội này thường diễn ra từ khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 – thời điểm hoa anh đào đang nở rộ tại Nhật.

Lễ hội anh đào Hanami không cố định địa điểm tổ chức cụ thể. Hoa anh đào ở Nhật Bản thường nở từ miền nam Nhật Bản trước rồi đến miền bắc. Chính vì vậy, lễ hội này được tổ chức kéo dài khắp trên mọi miền đất nước mặt trời mọc cho đến khi hết mùa. Người dân Nhật Bản đã lấy dấu mốc cây hoa anh đào ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa, lễ hội mới chính thức bắt đầu.

Lễ hội này có lịch sử lâu đời từ hàng nghìn năm trước, thời gian diễn ra lễ hội cũng là lúc người dân Nhật Bản cùng các du khách giao lưu, thư giãn; các gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau cùng ăn uống, ngắm hoa và cầu chúc mọi điều tốt đẹp trong năm mới.

3️⃣ Lễ hội Sanja mùa xuân

⚡️ Lễ hội Sanja là một trong ba lễ hội lớn của EDO (nay là Tokyo), được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật thứ ba của tháng 5 hằng năm bởi Ujiko tại Asakusa Shrine. Lễ hội này mang ý nghĩa như để tưởng nhớ 3 vị thần đã lập ra đền Sensoji. Vào ngày diễn ra lễ hội Sanja, người dân nô nức xuống đường để chiêm ngưỡng nghi lễ rước kiệu truyền thống. Trong lễ hội, có khoảng 100 ngôi đền di động thuộc sở hữu của giáo dân trong thị trấn và 3 ngôi đền di động thuộc sở hữu của đền Asakura.

Các đội khiêng mikoshi của các vùng lân cận sau đó sẽ diễu hành các đền thờ qua các đường phố, hò hét đầy khí thế và lắc lư những đền thờ theo điệu nhạc khi họ di chuyển để làm sôi động thêm không khí cuộc diễu hành.

Truyền thống này được cho là mang lại may mắn cho việc kinh doanh buôn bán và cư dân của Asakusa. Các đền thờ sẽ có kích thước rất đa dạng, từ ba mikoshi khổng lồ của Đền Asakusa cho đến các phiên bản thu nhỏ rất dễ thương được khiêng bởi những đứa trẻ của khu phố.

Xuyên suốt toàn bộ lễ hội, Asakusa sẽ tràn ngập các gian hàng thực phẩm, trò chơi lễ hội và âm thanh sống động của trống và sáo truyền thống.

4️⃣ Lễ hội Búp bê Hina mùa xuân – Lễ hội dành cho bé gái

⚡️ Lễ hội Búp bê Hina là là sự kiện trưng bày búp bê và hoa đào để cầu nguyện cho sự phát triển khỏe mạnh của các bé gái vào ngày 3 tháng 3 hằng năm. Các gia đình có thể trang trí búp bê Hina bằng hoa anh đào, hoa đào, bánh gạo Hina arare và bánh gạo Hishimochi, đồng thời thưởng thức các món chirashizushi và ngao. Các sự kiện như trang trí búp bê Hina được tổ chức trên khắp Nhật Bản.

Theo truyền thống, một bộ búp bê đầy đủ nhất bao gồm 15 búp bê & được trang trí trên một kệ 7 tầng được phủ thảm đỏ:

– Tầng trên cùng là Vua và Hoàng Hậu (được gọi là Dairibina). Nếu nhìn chính diện thì Vua được đặt bên trái và Hoàng hậu được đặt bên phải. Sau lưng Vua và Hoàng hậu là một bức bình phong gọi là Byobu (屏風). Ở hai bên là 2 cây đèn đứng gọi là Bonbori (雪洞), thường có hoa văn là hoa anh đào hoặc hoa đào. Trước mặt Vua & Hoàng hậu là Sanpokazari và Hishidai. Sanpokazari là hai bình hoa được cắm hai nhánh hoa đào. Hishidai là hai bệ đựng Omochi (một món ăn truyền thống của Nhật, gần giống như bánh dày của Việt Nam) gọi là Hishi-mochi. Hishi-mochi trên Hishidai có hình dạng như viên kim cương & có màu sắc tươi sáng khác nhau tượng trưng cho sắc màu mùa xuân.

– Tầng thứ 2 gồm 3 búp bê, là 3 cung nữ hầu rượu sake (Sannin-kanjo, 三人官女). Người ở giữa ngồi, còn 2 người ở hai bên thì đứng. Ở giữa 3 người này là 2 Takatsuki, loại bàn đứng được đặt Omochi hình tròn (Maru-mochi), 2 tầng trắng và hồng.

– Tầng thứ 3 gồm 5 búp bê (Gonin-bayashi). Đây là 5 nhạc công nam: 3 người chơi trống, 1 người thổi sáo và người cầm quạt là ca sĩ.

– Tầng thứ 4 là 2 búp bê Đại thần (Zuijin). Nếu nhìn trực diện thì bên phải phải là Đại thần già và bên trái là Đại thần trẻ.

– Tầng thứ 5 gồm 3 búp bê (Sannin-jichou) là hộ vệ cho Vua và Hoàng hậu khi đi ra ngoài. Phía hai bên được trang trí bằng một chậu hoa đào và một chậu quất.

– Tầng thứ 6 & tầng dưới cùng dùng để trang trí nhiều vật dụng khác nhau.

Các tập tục trong ngày Hina Matsuri:

Ngày Hina Matsuri là một trong số rất ít dịp mà các bé gái Nhật có được những buổi tiệc riêng dành cho chúng. Trong nhày này, các bé gái có thể mời bạn bè đến nhà cùng thưởng thức những món ăn và bánh kẹo được dâng cho các búp bê. Có lúc các bé cũng tự mình chuẩn bị những món ăn đó. Các bé cùng uống rượu ngọt Shirozake, ăn bánh hishi-mochi và các loại kẹo trái cây, xôi đỗ – sekihan, các loại thạch v.v.. Các món ăn đều đuợc cho các màu sắc phong phú màu xanh, hồng, trắng và được chế biến từ các loại lá cỏ tốt cho sức khỏe nhằm xua đuổi bệnh tật.

 

5️⃣ Lễ hội Cá chép Koinobori Matsuri – Lễ hội dành cho các bé trai

⚡️ Lễ hội cá chép diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 tại Kanta, tỉnh Gunma. Trong lễ hội này, người ta hay làm Obento hình cá chép, làm bánh Chimaki hoặc Kashiwa Mochi nhân đậu đỏ. Các gia đình ở Nhật Bản treo cờ cá chép với mong muốn cầu chúc cho các bé trai luôn giống như cá chép – có sức sống mãnh liệt, dũng mãnh với hi vọng lớn lên sẽ thật cường tráng.

Màu của những lá cờ cá chép Koinobori thường có 3 màu cơ bản là đỏ, xanh và đen thể hiện cho những đức tính sau:

* Màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng. Đây làm màu tượng trưng cho người cha là người phải trầm tính, và nước là nơi bắt nguồn của mọi sự sống.

* Màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ. Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ.

* Màu xanh là màu của cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc, vươn thẳng, biểu hiện cho sự phát triển của trẻ em.

Ngoài cờ cá chép, trong những ngày này người Nhật còn  trưng bày những con búp bê Kintarou.

Theo quan niệm của người Nhật, con búp bê này là hình tượng của một vị anh hùng thiếu nhi trong truyền thuyết Nhật Bản, nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ, cưỡi một con cá chép lớn, trên đầu đội mũ sắt của võ sĩ.

Trong lễ hội này người ta hay làm Obento và hay bữa cơm có hình cá chép,làm Chimaki, Kashiwa mochi… cho con để cầu chúc & mong muốn cho con mình được mạnh khỏe và phát triển tốt. Các bé được tắm với nước nóng đun sôi có lá cây xương bồ Shobu, đây là loại lá có mùi thơm đậm, khi tắm bằng loại nước này sẽ rất tốt cho sức khỏe và mang tác dụng trừ tà, xua đuổi quỷ dữ.

Trên đây là 5 lễ hội mùa xuân nổi tiếng tại Nhật Bản, các bạn đừng bỏ lỡ nhé!!!