Phóng viên: Mới đây, truyền thông Nhật Bản và Việt Nam đưa tin Nhật Bản sẽ bỏ chương trình TTKN dành cho NLĐ nước ngoài, ông nhận định thế nào về thông tin này?

– Ông TAKEBE TSUTOMU: Gần đây có nhiều thông tin truyền thông đưa tin Nhật Bản loại bỏ chương trình TTKN đã làm cho NLĐ Việt Nam lo lắng. Tôi cảm thấy thật sự đáng tiếc cho điều này. Nhất là đối với các bạn trẻ đang nỗ lực từng ngày để theo đuổi ước mơ đến Nhật, thông tin gần đây chắc đã làm cho các bạn thất vọng. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý báo đã cho chúng tôi cơ hội để truyền tải thông tin chính xác đến độc giả của báo.

Không dừng chương trình thực tập kỹ năng - Ảnh 1.

Ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt, Chủ tịch Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi)

Tóm tắt nội dung của dự thảo này là nội dung thảo luận về việc xây dựng một chương trình mới với mục đích “Bảo đảm nguồn lao động, đào tạo nhân sự” thay cho chủ trương hạn hẹp là “cống hiến quốc tế thông qua chuyển giao kỹ thuật” của chương trình cũ chứ không phải là loại bỏ chương trình TTKN. Chúng tôi đang đề xuất và kỳ vọng vào việc thực hiện cải cách nhất quán 2 chương trình TTKN và kỹ năng đặc định (KNĐĐ). Sau này, chương trình KNĐĐ không chỉ đơn giản là giải pháp cho vấn đề thiếu lao động hiện tại mà nó cần nhất quán với chương trình TTKN trong mục đích chung là bảo đảm nguồn lao động, đào tạo nhân sự và cống hiến quốc tế với các hoạt động cụ thể. Tôi muốn chia sẻ thêm một lần nữa rằng cho đến khi xây dựng được chương trình mới thì vẫn sẽ thực hiện theo chương trình TTKN nên NLĐ yên tâm thực hiện nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc.

Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua?

– Năm 2014, khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Nhật Bản đã nâng mối quan hệ Nhật – Việt lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng châu Á, từ đó sự hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa 2 nước đã phát triển rất nhanh và rộng. Hiện tổng số lao động Việt Nam đang dẫn đầu với khoảng 462.000 người (tại thời điểm tháng 10 -2022), chiếm 25% tổng số NLĐ nước ngoài tại Nhật Bản. Chương trình TTS không chỉ đóng góp cho giải pháp đối với vấn đề thiếu lao động của Nhật Bản mà còn mang lại nhiều thành quả quan trọng. Chẳng hạn hơn 2 triệu người trẻ châu Á đã đến Nhật học tập, làm việc, học tiếng Nhật, nâng cao kỹ năng, kiến thức và áp dụng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước họ. Mang lại sức sống cho địa phương, đóng góp cho sự ổn định kinh doanh – sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, duy trì nội lực kinh tế địa phương trong bối cảnh dân số già hóa của Nhật Bản hiện nay

Không dừng chương trình thực tập kỹ năng - Ảnh 2.

Ông Takebe Tsutomu gặp gỡ học viên Việt Nam đang học tập trước khi sang Nhật Bản làm việc.

Ảnh: GIANG NAM

Ông cho biết về dự thảo mà Hội đồng chuyên gia Nhật Bản đang thảo luận liên quan đến chương trình TTKN dành cho NLĐ nước ngoài đến Nhật Bản làm việc?

– Dự thảo trung hạn về chương trình TTKN của Hội đồng chuyên gia Nhật Bản đã được công bố vào ngày 10-4 vừa qua. Định hướng chính của dự thảo lần này là “Loại bỏ chương trình TTKN, xây dựng chương trình mới với mục đích bảo đảm nguồn lao động bền vững”. Tuy nhiên, nội dung của chương trình mới được xây dựng để cải thiện chương trình TTKN. Cụ thể, chủ trương của chương trình mới là đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu của các DN Nhật Bản trong tình hình mới; con đường sự nghiệp của NLĐ nước ngoài đến Nhật có ngành nghề tiếp nhận sẽ thống nhất với lĩnh vực tiếp nhận kỹ năng đặc định; đào tạo kỹ năng và tổ chức đánh giá (đang được thảo luận) để NLĐ có thể phát huy kỹ năng thăng tiến trong sự nghiệp; chuyển nơi làm việc được nới lỏng nhưng vẫn có giới hạn; cơ chế quản lý, giám sát và hỗ trợ sẽ nghiêm ngặt hơn; cơ quan giám sát chương trình TTKN (OTIT) vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực giám sát, hỗ trợ, tăng cường các hoạt động hợp tác với nước phái cử lao động sang Nhật Bản; năng lực tiếng Nhật theo chương trình mới yêu cầu cao hơn.

Sau khi Hội đồng chuyên gia trình bày việc loại bỏ chương trình TTKN, NAGOMi đã gửi nhận xét đến dự thảo chương trình mới tiến gần hơn với chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm nguồn lao động theo chương trình TTKN và nhất quán với chương trình KNĐĐ. Tôi chất vấn nhiều lần về vấn đề này đến Bộ Tư pháp Nhật Bản và đã nhận được câu trả lời rõ ràng “Sẽ không chuyển sang chương trình KNĐĐ”. Sắp tới, NAGOMi sẽ nhấn mạnh chủ trương xây dựng một chương trình mới phát huy điểm tốt của 2 chương trình TTKN và KNĐĐ. Để có thể giữ lại các điểm tốt của chương trình TTKN, tôi sẽ tổ chức các hoạt động yêu cầu đến nghị sĩ Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Tư pháp, Bộ Phúc lợi, Y tế và Lao động cũng như các bộ, ngành liên quan bàn kỹ về chương trình mới này.

Nguồn: Báo Người lao động