Tin tức

OSHOGATSU – TẾT CỔ TRUYỀN NHẬT BẢN

 

Không khí của những ngày cuối năm đang đến gần và có một sự kiện đặc biệt mà ai cũng ngóng chờ chính là ngày Tết. Không chỉ ở Việt Nam mà ở Nhật Bản, đây cũng là sự kiện đánh dấu cho sự khởi đầu của năm mới và là kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Nhật Bản. Ngày nay trong quá trình hội nhập, văn hóa phương Tây tràn ngập mang lại sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến văn hóa Nhật Bản, khiến Nhật Bản từ lâu đã không còn đón tết âm lịch như các nước Châu Á khác. Tuy nhiên tết truyền thống Nhật Bản vẫn luôn giữ gìn được những sắc thái văn hóa đặc trưng của phương Đông.

I. Lịch sử Tết nhật bản – oshogatsu.

Ngày Tết trong tiếng Nhật là お正月・おしょうがつ, Oshougatsu ,có nghĩa là “Chính Nguyệt”. Tết cổ truyền bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigami Sama, đây là vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và tài lộc. Giống với Việt Nam chúng ta, Nhật Bản đã từng có tết cổ truyền theo âm lịch. Tuy nhiên, để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế, Nhật Bản chính thức bỏ tết âm và chuyển qua tết dương. Tức là ngày đầu tiên của tháng dương lịch– một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, một dịp để mọi người trong gia đình xa gần tụ họp, cầu chúc cùng nhau đón năm mới.

Tết Oshougatsu diễn ra từ ngày 1 đến 3-1. Người dân Nhật Bản chuẩn bị cho lễ hội từ ngày 8/12 đến 12/12. Vào những ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đồ dùng và trang trí nhà cửa đón năm mới. Ngày 1/1 là một ngày quan trọng, đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới. Người ta quan niệm rằng, xem mặt trời mọc vào ngày này là việc làm tốt nhất để chào đón một năm mới thịnh vượng, may mắn và tốt đẹp. Tết Nhật Bản có những điểm tương đồng với các nước phương Đông, tuy nhiên cũng có nét đặc sắc về phong tục tập quán khác biệt với nhiều nghi thức đặc biệt và mang phong cách riêng của một đất nước giàu truyền thống.

II. Các phong tục đón Tết ở Nhật Bản

Cũng như Tết cổ truyền tại Việt Nam, trong các ngày Oshougatsu người Nhật cũng ăn cơm tất niên, viết bưu thiếp, lì xì cho trẻ em và đi lễ chùa… Để đón mừng ngày  Oshougatsu, họ chuẩn bị bằng việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ với quan niệm sẽ rửa trôi những điều không may của năm cũ, chào đón những gì tốt đẹp nhất của năm mới. Ngày cuối cùng của năm cũ người Nhật sẽ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên với đông đủ các thành viên trong gia đình. Bữa ăn được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo với những món ăn truyền thống làm từ ngũ cốc, cá và hải sản. Trong bữa ăn mọi người sẽ cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về những dự định của mình trong năm mới với không khí đầm ấm, hạnh phúc.

1. Ngày Hội Tổng Vệ Sinh Osouji

Osouji là điểm khá giống nhau giữa đặc trưng văn hóa Nhật Bản và Việt Nam.

Để có một cái Tết thật ấm cúng cũng như không khí cho một năm mới sắp tới, nhà cửa, trường học cũng như các công sở sẽ tiến hành tổng vệ sinh. Ngày xưa, họ thường tiến hành vào ngày 13/12, và ngày này được gọi là Susuharai. Tuy nhiên, do sự bận rộn của công việc, mà hiện nay, việc dọn dẹp có thể tiến hành vào ngày cuối cùng của tháng 12. Hiện nay, vẫn có các Thần điện hay chùa chiền tiến hành việc dọn dẹp vào ngày 13 linh thiêng này.

Họ quan niệm rằng vị thần Toshigami linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ đến thăm nhà vào dịp năm mới. Ông mang theo may mắn và những lời cầu chúc, bảo hộ sức khỏe cho người dân. Vì thế nhà phải luôn sạch sẽ và treo shimenawa trước cửa nhà để mời thần bước vào.

2. Trang trí nhà cửa và treo Shimenawa trước cửa nhà

Sau khi tiến hành dọn dẹp, người Nhật sẽ trang trí nhà cửa để đón vị thần năm mới Toshigami Sama. Ngày đẹp để tiến hành trang trí nhà cửa là ngày 28 hoặc ngày 30. Tuyệt đối tránh làm vào ngày 29. Lí do do cũng khá đơn giản, bởi số 2 mang ý nghĩa 2 lần, số 9 trong tiếng Nhật đọc là Ku, trong từ Kurushi mang ý nghĩa đau khổ.

Đối với Tết Nguyên Đán của người Việt, Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng chạp với mục đích trừ tà. Ngoài còn có hoa mai, hoa đào hay cây quất đều là những biểu trưng thể hiện sự sung túc, tốt lành được người dân Việt Nam trang trí trong phòng khách mỗi dịp xuân về.. Còn với người Nhật, Shimenawa là sợi dây thừng xoắn đánh dấu sự linh thiêng của những không gian, vật thể mà nó gắn lên. Theo truyền thống, Shimenawa được dệt từ cây gai dầu, nhưng ngày nay nó thường được tết từ sợi rơm của lúa gạo và lúa mì, dùng để xua đuổi tà ma, năng lượng xấu.

Bên cạnh đó, ba món đồ thường được trang trí trong dịp tết đó chính là

Kagami mochi : Đây chính là mâm bánh dày, được trang trí một quả cam ở phía trên, là nơi cư trú khi các vị thần khi ghé thăm nhà. Chính vì vậy, kagami mochi luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Bạn cũng có thể coi nó như là mâm ngũ quả của Việt Nam cũng không sai.

Kadomatsu : Được trang trí bởi ba cây tre vát chéo, xung quanh được trang trí bởi những cành thông. Kadomatsu thường được đặt ở trước cửa nhà hay lối ra vào của công ty, mang ý nghĩa một năm mới hanh thông, vạn sự tốt lành.

Shimekazari : Là một vòng tròn thường được quấn bằng rơm, treo ở cửa ra vào với mong muốn trừ quỷ, trừ tà.

Trên khung cửa của không ít gia đình Nhật còn trang trí các vật phẩm như đồ đan bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng. Tùng tượng trưng cho trẻ mãi không già; quả quýt màu da cam tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng; thừng bện bằng cỏ được treo ở điện thờ hoặc nơi thờ cúng, kính dâng lên thần linh cầu tài lộc; lá cây màu trắng nói lên sự trinh bạch không tì vết; còn dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi tà ma.

3. Thờ cúng tổ tiên và các vị thần

Cũng như các nước châu á khác, năm mới là dịp kính nhớ ông bà, tổ tiên, và các vị thần. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và mong được các thần linh phù hộ. Đây là một lễ vô cùng quan trọng, để tưởng nhớ. thể hiện lòng thành kính, đạo hiếu với người đã khuất.

 

4. Lắng Nghe Tiếng Chuông Của Đêm Giao Thừa

Joya no kane – lễ rung chuông truyền thống được tổ chức trên khắp Nhật Bản vào đêm giao thừa. Hồi chuông dài vang lên 108 lần để chào năm cũ và đón năm mới bắt đầu. Một số ngôi đền còn khuyến khích và mời mọi người tham gia đánh chuông.

 

5. Hatsumoude – Viếng Đền Thờ Hoặc Chùa

Cũng như ở Việt Nam, đầu năm mọi người thường hay đi lễ chùa để cầu may và xin quẻ thì ở Nhật Bản cũng vậy. Hatsumode – chuyến thăm đền thờ đầu tiên của năm mới – là một trong những hoạt động chào đón tết ở Nhật Bản truyền thống nổi tiếng nhất. Các đền thờ lớn hơn như Meiji Jingu thường mở cửa suốt đêm kể từ giao thừa để mọi người có thể cầu nguyện trong vài giờ đầu tiên của năm mới. Vào dịp này, thần điện ở mọi nơi không kể lớn nhỏ đều tấp nập người đến viếng.

Theo đặc trưng văn hóa Nhật Bản, nếu đi đền chùa vào thời gian này bạn sẽ có được những điều tốt lành trong năm mới. Mọi người còn nô nức rút các quẻ xăm Omikuji để tiên đoán những sự kiện đặc biệt xuất hiện trong năm. Tùy vào từng đền chùa khác nhau, nhưng nhìn chung mỗi quẻ Omikuji có giá khoảng 500 – 1000 yên.

6. Đón ánh bình minh đầu tiên của năm

Tại Nhật Bản có một quan niệm là mặt trời mọc ngày mùng 1 Tết mang theo nguồn năng lượng siêu nhiên. Chính vì vậy, người Nhật hình thành nên phong tục tụ tập trên những đỉnh núi cao hoặc bãi biển, cùng nhau chờ đợi mặt trời ló rạng và gửi lời ước nguyện sức khỏe, hạnh phúc.

7. Gửi Thiệp Chúc Tết – Nengajo và Lì xì đầu năm mới

Người Nhật thường có truyền thống viết bưu thiếp trong dịp Tết. Điều này gần giống với văn hóa phương Tây khi mà người gửi bưu thiếp sẽ viết những lời chúc tốt đẹp nhất, thể hiện những tình cảm chân thành nhất đến người mình yêu thương. Những tấm thiệp xinh xắn được viết bằng tay, in hình những con giáp ngộ nghĩnh hay là những biểu tượng như núi Phú Sĩ, hoa Anh Đào. Thiệp chúc mừng cần được viết và gửi đi từ trước ngày 31/12 . Bên vận chuyển của bưu điện sẽ phân loại, sắp xếp, và chuyển phát tới người nhận vào đúng sáng ngày 1 Tết. Phong tục này cũng thể hiện rõ văn hóa “cảm ơn” của người Nhật Bản.

Cũng giống như ở Việt Nam, vào ngày đầu năm mới, trẻ em Nhật Bản cũng được nhận tiền lì xì, tiền mừng tuổi từ bố mẹ, ông bà và người thân. Tiền mừng tuổi đó được gọi là Otoshidama . Otoshidama được người lớn tặng cho trẻ con với hi vọng sang năm mới, thêm một tuổi mới, đứa trẻ đó sẽ mau ăn chóng lớn, chăm ngoan học giỏi.

8. Các hoạt động vui chơi ngày Tết

Tại Nhật Bản, trò thả diều Takoage khá phổ biến vào dịp năm mới. Những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương. Ngoài ra còn rất nhiều trò chơi truyền thống như đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi,… Đây là hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia và hưởng ứng.

 

III. Ẩm thực ngày Tết ở Nhật Bản

1. Món ăn truyền thống – Osechi Ryor

Nếu như Bánh Chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của Việt Nam thì người dân Nhật Bản cũng không thể thiếu được bữa ăn đầu xuân năm mới – Osechi ryori.

Osechi Ryori không phải là tên một món ăn nào đó, mà là từ để chỉ sự kết hợp của nhiều món ăn khác nhau. Các món ăn có trong Osechi có thể kể đến như: Kobumaki (Rong biển cuộn), Ebinosaka Mushi (Tôm hấp rượu sake), Kazunoko (Cá trích), Nimono (Thịt hầm)…

Osechi có mặt hơn 1000 năm trước và bắt đầu với những món ăn đơn giản. Tuy nhiên ngày nay, số lượng món ăn tăng lên đáng kể nhằm thể hiện cho cuộc sống dư dả, viên mãn trong năm mới. Tùy gia đình hoặc cửa hàng mà Osechi Ryori mỗi nơi sẽ có sự khác biệt đôi chút, tuy nhiên hầu như đều có những món cố định, và mỗi món đều mang ý nghĩa tượng trưng cho điều may mắn.

Những người nội trợ đa tài của xứ Phù Tang sẽ chuẩn bị món Osechi kỳ công và Osechi Ryori thường được đặt trong một chiếc tráp sơn mài hình vuông rất đẹp và sang trọng, gọi là Jubako. Tráp Jubako gồm nhiều tầng, mang ý nghĩa “hạnh phúc chồng hạnh phúc”.

2. Mì Trường Thọ Toshikoshi Soba

Trong văn hóa nước Nhật, ngày cuối cùng của năm cũ họ sẽ cùng nhau thưởng thức mì Soba. Vì Soba có sợi mì dài, dai nhưng dễ cắn đứt. Sợi mì Soba dài tượng trưng cho sự trường thọ, thon và trơn tuột tượng trưng cho mọi sự suôn sẻ, xuôi chèo mát mái. Điều này thể hiện cho việc những xui xẻo trong năm cũ cũng được cắt đứt và chào đón năm mới với những may mắn ngập tràn.

3. Mùng 1 tết ăn bánh dầy Ozoni

Trong truyền thuyết cổ ngày xưa của Nhật Bản, vào ngày mùng 1 tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện, ban tặng cho các em bé ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dầy Ozoni. Từ đó, với mong muốn được hưởng nhiều những món quà của các vị thần, người Nhật Bản thường ăn Ozono vào mùng 1 tết.

4. Bánh Mochi

Mochi là món bánh quen thuộc của người dân và du khách du lịch Nhật Bản. Chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các dịp lễ như một món bánh vẹn tròn để dâng lên Thần linh.

Người Nhật Bản còn dành riêng một ngày để thưởng thức bánh dày Mochi với tên gọi Kagamibiraki. Thời điểm hết Tết thường là ngày 11/1 dương lịch hàng năm (cũng có thể là ngày khác, giống như Việt Nam chúng ta có nhà hóa vàng vào mùng 3 thì chính là hết Tết vào mùng 3 và tiễn tổ tiên về trời). Vào ngày này, người Nhật sẽ hạ mâm bánh mochi xuống. Những chiếc bánh mochi lúc này đã khô cứng lại, họ sẽ dùng một chiếc chày nhỏ để đập bánh mochi cho nát vụn ra (vì thần linh không thích những vật sắc nhọn như dao, kéo nên họ phải dùng chày), sau đó cho vào súp Ozoni. Lúc bạn ăn hết bát súp Ozoni thì cũng chính là thời điểm hết Tết. Sau khi hết Tết, các vật dụng trang trí nhà cửa cũng được gỡ xuống và các hoạt động thường ngày lại bắt đầu được tiếp diễn.\

Ngày nay trong quá trình hội nhập, Nhật Bản đang vươn mình trỗi dậy, dẫn đầu trên thế giới về mọi mặt. Song, Nhật Bản ngày nay vẫn nổi tiếng là quốc gia chú trọng gìn giữ và phát huy những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến bản sắc độc đáo của văn hóa Tết. Chỉ còn vài ngày nữa là đón năm mới, Châu Hưng hy vọng các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với Tết truyền thống Nhật Bản.